R9 Tuyệt Đỉnh Tôn Sư
Join Date: Dec 2008
Posts: 44,699
Thanks: 262
Thanked 591 Times in 456 Posts
Mentioned: 0 Post(s)
Tagged: 0 Thread(s)
Quoted: 1 Post(s)
Rep Power: 61
|
Cận cảnh 'quái thú' ở Việt Nam
Địa bàn sinh sống của gấu chó và gấu ngựa tương đối rộng, trong đó có nhiều tỉnh ở miền Trung. Thông thường, gấu chó và gấu ngựa không chủ động tấn công con người nếu không bị khiêu khích.
TS Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, nếu những đặc điểm nhận dạng ban đầu của thú dữ cắn đứt đầu chó ở Quãng Ngãi: có trọng lượng khoảng 40-50kg, màu đen, có viền trắng quanh cổ là chính xác thì gần như chắc chắn đó là một trong hai loài gấu chó hoặc gấu ngựa. “Nếu viền trắng dưới cổ có hình chữ V thì con vật là gấu ngựa, còn có hình bán nguyệt là gấu chó”, TS Lê Xuân Cảnh nói.
Động vật rừng quý hiếm nhóm 1B
Trong Sách Đỏ Việt Nam, gấu chó và gấu ngựa đều thuộc động vật rừng quý hiếm nhóm 1B; có giá trị kinh tế cao: mật và xương làm dược liệu, da gấu là mặt hàng mỹ nghệ da lông. Hiện, chúng đang bị đe dọa tuyệt chủng trong 10-20 năm tới; được xếp ở mức rất cao - bậc E.
Gấu chó thuộc họ gấu Ursidae, bộ ăn thịt Carnivora, có kích thước nhỏ hơn gấu ngựa. Ảnh tư liệu.
Gấu chó thuộc họ gấu Ursidae, bộ ăn thịt Carnivora, có kích thước nhỏ hơn gấu ngựa, với chiều dài thân 1.130 mm, dài đuôi 89 mm, dài bàn chân sau 172 mm, trọng lượng khoảng 39kg. Mõm vàng hoe hoặc trắng ngà có thể lan đến mắt. Tai tròn ngắn. Trán và sau tai có xoáy. Bộ lông mầu đen tuyền, ngắn hơn lông gấu ngựa. Yếm ngực hình chữ U bán nguyệt mầu vàng nhạt hoặc trắng ngà. Chân vòng kiềng. Đuôi ngắn.
Thức ăn của gấu chó gồm các loại quả chín, như: sung, vả, chuối, cam... hạt dẻ, ngô, các mầm cây, măng, củ; thức ăn động vật gồm: mật ong, ong non, chim, trứng chim. Trong điều kiện nuôi nhốt, ăn tạp. Mùa sinh sản không rõ rệt trong năm. Thời gian có chửa 95 - 96 ngày. Mỗi lứa đẻ 2 con. Gấu con sống với mẹ đến trưởng thành. Gấu chó phân bố dọc dãy Trường Sơn từ Lai châu qua các tỉnh miền Trung đến Tây Ninh, gồm: Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thên - Huế, Gia Lai, Kontum, Tây Ninh.
Gấu ngựa cũng thuộc họ gấu Ursidae, bộ ăn thịt Carnivora, nhưng là loài thú cỡ lớn. Ảnh tư liệu.
Cũng thuộc họ gấu Ursidae, bộ ăn thịt Carnivora, nhưng gấu ngựa là loài thú cỡ lớn, với dài thân từ 1.070 - 1.490mm, dài đuôi 38 - 88 mm, dài bàn chân sau 160 – 170 mm và trọng lượng tới 200kg. Tai lớn. Vùng lông trắng ở mõm không rõ hoặc không lan rộng đến mặt. Toàn thân lông đen, dài, thô. Đặc biệt có yếm ở ngực hình chữ V nhọn màu vàng nhạt hoặc trắng mờ.
Gấu ngựa ăn tạp, thức ăn gồm nhiều loại quả chín giống gấu chó, cùng các loại mầm cây và cả thức ăn động vật: mật ong, chim, thú nhỏ, trứng chim, cá. Trong diều kiện nuôi nhốt, chúng ăn nhiều loại thức ăn của người. Mùa sinh sản không rõ rệt trong năm. Thời gian có chửa 7 - 8 tháng. Mỗi lứa đẻ 2 con (không có khả năng sinh sản trong môi trường nuôi nhốt).
Sống ở rừng, gấu ngựa chủ yếu ở rừng đầu nguồn, cây gỗ lớn, rừng hỗn giao trên núi đất và núi đá. Nếu sống trên mặt đất, loài vật này leo trèo giỏi. Hoạt động kiếm ăn vào ban đêm, ban ngày ngủ trong hốc cây lớn, hang động hoặc vách đá, không cố định. Sống đơn độc, chỉ ghép đôi vào thời kỳ động đực và gia đình mẹ con non.
Gấu ngựa phân bố rộng ở các tỉnh miền đồi núi, nhưng chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, như: Tuyên Quang, Lai Châu, Bắc Thái, Sơn La (Mộc Châu), Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Tây Nguyên; còn trên thế giới là vùng Viễn đông Liên Bang Nga, Nepan, Bắc Ấn Độ (Assam), Apganistan, Mianma, Trung Quốc, Triều Tiên, Thái Lan, Lào, Campuchia.
Vẫn bị săn bắt, nuôi và buôn bán lậu
Luật pháp Việt Nam cấm tuyệt đối việc săn bắt gấu chó và gấu ngựa. Hai loài gấu trên còn được bảo vệ theo công ước CITES - công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp. Tuy nhiên, chúng vẫn bị săn bắt, sở hữu và buôn bán bất hợp pháp. Ngày 12/2 vừa qua, cá thể gấu ngựa đã chết - tang vật do Công an TP. Pleiku tịch thu được từ các đối tượng buôn bán động vật trái phép trong năm 2010, đã được Chi cục Thi hành án dân sự TP Pleiku bàn giao cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai xử lý ướp khô để trưng bày phục vụ khách tham quan.
Tương tự, ngày 24/12/2010, Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã tiếp nhận một con gấu chó do Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế bàn giao. Theo đại diện Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), con gấu chó này được được Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế tìm thấy tại nhà một người dân tại khu phố 4, Phú Bài, Hương Thủy hồi đầu tháng, nhưng do nuôi dưỡng trong nhà đã lâu, không thể thả về tự nhiên.
Ngày 24/12/2010, Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã tiếp nhận một con gấu chó do Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế bàn giao. Ảnh: VNE
Ngày 1/7/2010, Cục Kiểm lâm Quảng Ninh đã phối hợp với Cục cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) và Chi cục Kiểm lâm, Cảnh sát Môi trường tỉnh Quảng Ninh, UBND phường Hà Khẩu, tổ chức thu 5 cá thể gấu ngựa của Nguyễn Mạnh Trường (hộ khẩu thường trú tại xã Yên Giang, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh) và ông Nguyễn Thanh Nhượng (hộ khẩu thường trú tại xã Minh Thành, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh), cùng là chủ gấu tại trại gấu Trang Hoài, khu Đồn Điền, phường Hà Khẩu, thành phố Hạ Long; đồng thời, bàn giao cho Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo, Vườn Quốc gia Tam Đảo, để quản lý, nuôi dưỡng đến hết đời các cá thể gấu này theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Trước đó, ngày 20/4/2010, trong khi làm nhiệm vụ, Công an xã Đức Thuỷ, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã phát hiện hai đối tượng là Ngô Văn Trai (SN 1987, trú tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, Nghệ An) và Vũ Văn Hạnh (SN 1990, trú tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An), đang vận chuyển trái phép 3 con gấu chó, có tổng trọng lượng 17,5kg, về xuôi để tiêu thụ…
Chỉ là số nhỏ những vụ bắt, thu giữ gấu chó và gấu ngựa điển hình trong năm qua, nhưng thực tế này lần nữa rung hồi chuông báo động về bảo vệ nghiêm ngặt các loại động và thực vật quý hiếm, được nêu trong Sách Đỏ Việt Nam.
Nguyên Anh
(ĐVO)
|