Phương pháp hai bữa một ngày là một kiểu nhịn ăn gián đoạn. Để khỏe mạnh, chế độ hai bữa ăn này phải được cân bằng, chứa nhiều chất dinh dưỡng.
Khái niệm ăn ba bữa một ngày gồm bữa sáng, bữa trưa và bữa tối đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta từ khi còn nhỏ.
Nhiều người có quan niệm rằng chế độ ăn uống lành mạnh là chế độ: Ăn như vua vào bữa sáng, ăn trưa như hoàng tử và ăn tối như kẻ ăn mày. Nhưng thói quen ăn uống hiện đại đang thay và chế độ ăn 2 bữa/ngày đã được nhiều người áp dụng.
Phương pháp hai bữa một ngày là một kiểu nhịn ăn gián đoạn trong đó mọi người chỉ ăn hai bữa chính.
Kiểu ăn uống này được thiết kế để giúp cơ thể kéo dài thời gian nhịn ăn, thường được cho là giúp tăng cường chuyển hóa chất béo, điều chỉnh lượng đường trong máu và thúc đẩy quá trình tiêu hóa tốt hơn.
Theo Tạp chí Dinh dưỡng, để khỏe mạnh, chế độ hai bữa ăn này phải được cân bằng, chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, chất béo lành mạnh, chất xơ và các vitamin thiết yếu. Thời gian gián đoạn giữa các bữa ăn giúp cơ thể nghỉ ngơi mà không tiêu thụ calo.
Chuyên gia dinh dưỡng Pooja Shah Bhave (Ấn Độ) cho biết thêm: “Chỉ cần ăn hai bữa hoặc thậm chí chỉ một bữa trong ngày cũng được nếu nó phù hợp với cơ thể và sức khỏe tổng thể của bạn. Nhưng nó chỉ có lợi cho sức khỏe nếu phương pháp này được thực hiện lâu dài".
Lợi ích của chế độ ăn 2 bữa/ngày
Giảm cân hiệu quả:Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Annals of Nutrition and Metabolism đã chỉ ra rằng chế độ ăn 2 bữa/ngày (với khoảng thời gian ăn trong 8 giờ) giúp những người tham gia, cả người có cân nặng bình thường và thừa cân, giảm được đến 5% trọng lượng cơ thể chỉ trong 2-4 tuần.
Cải thiện chức năng tiêu hóa:Khi chỉ ăn hai bữa mỗi ngày, hệ tiêu hóa có nhiều thời gian nghỉ ngơi, giúp giảm các vấn đề tiêu hóa và các triệu chứng khó chịu. Thực hiện chế độ ăn ít bữa còn giúp nâng cao sự tập trung và minh mẫn về tinh thần.
Lợi ích cho sức khỏe tim mạch:Nghiên cứu từ Tạp chí Y học Hoa Kỳ cho thấy chế độ ăn này giúp giảm hơn 10% cholesterol LDL "xấu" ở cả nam và nữ. LDL cao là yếu tố nguy cơ lớn đối với các bệnh tim mạch.
Điều chỉnh lượng đường trong máu:Việc ăn ít bữa giúp cơ thể có đủ thời gian để xử lý và tiêu hóa thức ăn, qua đó điều chỉnh lượng đường trong máu. Điều này rất quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh mãn tính như tiểu đường, đồng thời giảm thiểu các tổn thương do lượng đường cao trong cơ thể.
Giảm tiết insulin:Insulin là hormone giúp cơ thể lưu trữ năng lượng và ngăn chặn việc đốt cháy chất béo. Khi lượng insulin quá cao, quá trình đốt cháy mỡ sẽ bị cản trở. Mỗi bữa ăn kích thích sản xuất insulin, vì vậy ăn 2 bữa/ngày giúp giảm sự gia tăng đột ngột của hormone này.