Nghiên cứu mới chỉ ra mẫu đá được tàu thăm dò Nhật Bản thu thập từ tiểu hành tinh Ryugu được hình thành trong điều kiện nhiệt độ cao cách đây hơn 4,5 tỷ năm.
Các chuyên gia của Nhật Bản mới công bố kết quả nghiên cứu quan trọng về các mẫu đá được tàu vũ trụ Hayabusa2 mang về từ tiểu hành tinh Ryugu. Theo họ, đó là những mẫu đá lâu đời nhất từng được tìm thấy trong Hệ Mặt trời.
Nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà khoa học công tác tại các viện nghiên cứu, bao gồm Đại học Hokkaido. Họ cho biết các mẫu đá được thu thập từ tiểu hành tinh Ryugu được hình thành trong điều kiện nhiệt độ cao cách đây 4,5673 tỷ năm, ngay sau khi Hệ Mặt trời ra đời. Ảnh: DARTS archive /Meli thev via Wikimedia Commons.
Theo các chuyên gia, những mẫu đá này còn lâu đời hơn cả bản thân tiểu hành tinh Ryugu, vốn được tạo thành từ các khoáng chất phản ứng với nước khoảng 4,562 tỷ năm trước.
Điều này khiến nhóm nghiên cứu suy đoán nhiều khả năng tiểu hành tinh Ryugu được hình thành ở khu vực cách xa Mặt trời.
Tàu thăm dò Hayabusa2 được Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) phóng vào tháng 12/2014 với sứ mệnh thám hiểm tiểu hành tinh Ryugu (162173). Tiểu hành tinh này cách Trái đất khoảng 290 triệu km, có đường kính khoảng 900m, có quỹ đạo quay quanh Mặt trời ở khoảng giữa Trái đất và sao Hỏa. .
Giới nghiên cứu xếp Ryugu vào tiểu hành tinh loại C (carbon). Giống như các tiểu hành tinh loại C khác, Ryugu có khả năng chứa vật liệu từ tinh vân - đám mây khổng lồ của bụi và khí đã sinh ra Mặt trời và nó các hành tinh cách đây hàng tỉ năm.
Để giải mã những bí ẩn về tiểu hành tinh Ryugu cũng như Hệ Mặt trời thuở sơ khai, vào năm 2019, tàu vũ trụ Hayabusa2 của Nhật Bản đã thu thập được các mẫu đất đá từ bề mặt tiểu hành tinh Ryugu và vận chuyển về Trái đất thành công vào tháng 12/2020.
Các chuyên gia sau đó đã nghiên cứu tỉ mỉ các mẫu đá thu thập được từ Ryugu với hy vọng sớm có cái nhìn toàn diện về nguồn gốc của tiểu hành tinh này, bao gồm thời điểm hình thành, độ tuổi khi tiếp xúc với nước...