
(Minh họa)
Trên thế giới, không biết có dân tộc nào, thường ngày ăn rau nhiều như dân tộc Việt Nam hay không? Bởi rau là một trong những thực phẩm quen thuộc và thiết yếu với ẩm thực hàng ngày của con người.
Tục ngữ Việt Nam cũng có một câu rất hay và ý nghĩa về rau với cuộc sống của con người là: “Đói ăn rau, đau uống thuốc,” nghĩa nôm na là: Khi đói, tìm rau mà ăn và khi ốm đau, bệnh tật thì tìm thuốc mà uống, và đó cũng là câu nói quen thuộc, cửa miệng, của người Việt khi nói với nhau lúc đói hay đau ốm…

(Minh họa)
Rau, hay còn gọi là
"rau củ", "rau quả", "rau củ quả", theo định nghĩa của
Wikipedia:
Rau là tên gọi chung cho những bộ phận của thực vật mà con người hay động vật sử dụng làm thực phẩm…
Còn theo từ điển Tiếng Việt thì
Rau là
"tên gọi chung các thứ cây, thường thuộc loại thân cỏ, có thể dùng làm thức ăn cho người".
Rau, đối với người Việt, có thể kể tên ra hàng chục loại rau như:
rau muống, dền, lang, ngót, sam, húng (quế, lũi), lốt (lá), tần ô, tía tô, ngò (rí, gai), cải (đủ loại), càng cua (tiêu), diếp cá, xà lách, rau má,…
Rau có thể được ăn sống, hoặc qua chế biến: luộc, nấu canh, chiên, xào, cuốn bánh tráng hay nướng kèm với thịt, cá… Và lẽ tất nhiên, rau theo các giới chuyên về ẩm thực và các chuyên gia nghiên cứu y học cho thấy rau rất có lợi cho sức khỏe, ngoài việc làm gia tăng hương vị cho món ăn, còn giúp thanh mát, như có nhiều chất vitamin, khoáng chất, nhiều chất sơ, hổ trợ cho sức khỏe về tiêu hóa và phát triển của cơ thể.
Ngày xưa, người Việt thường chỉ ăn một số rau quen thuộc, phần lớn do được cho ươm trồng trên đồng ruộng, trong vườn nhà, hay mua ngoài chợ, ngày nay, nhất là sau năm 1975, cùng những năm bị đói kém, lúa gạo bị mất mùa, khan hiếm, danh sách thực phẩm rau được nối dài thêm
rau… dại, rau sông và cả rau rừng!
Nói đến
"rau dại", vì đó là loại cây cỏ mọc hoang dại, không do con người trồng, như
rau tầm bóp hay còn gọi là
cây thù lù, rau sam, rau càng cua, rau me đất…
"Rau sông" thì có
rau mác, lục bình, năng, bồn bồn, bông điên điển, rau chút chít… Còn
"rau rừng" thì có
rau tàu bay, lá bép, lá giang, rau dớn, rau bò khai, rau rêu đá, rau sao nhái, rau xá xị, rau đọt choại, rau đọt mọt, lá cóc…
Mỗi cọng rau, mỗi hương vị, màu sắc và khi đã được chế biến hay cho rửa sạch, khi đưa lên mâm, lên dĩa thì đều bắt mắt qua làn khói nghi ngút hay qua màu sắc xanh tươi, mơn mởn sẽ kích thích thị giác, vị giác của con người, khiến cho… bao tử phải sôi réo lên vì… đói! Đặc biệt là khi có dịp lên vùng cao nguyên Trung phần, ghé Ban Mê Thuộc hay Pleiku, Kontum, ghé quán, kêu
món lẫu… rau rừng. Thực khách sẽ no mắt vì dĩa rau rừng với đủ màu sắc, hay đi Trảng Bàng, Tây Ninh, ghé ăn bánh canh, bánh tráng cuốn, thực khách sẽ được chiêm ngường một dĩa
rau sông hấp dẫn vô cùng.
Chính vì
rau gần gũi và thiết thân với người Việt như vậy, nên
rau đã đi vào trong ca dao, tục ngữ khá nhiều như
"Đói ăn rau, đau uống thuốc", "Rau nào, sâu nấy", "Mẹ ơi con mượn cái gàu/Con ra xách nước tưới rau cho rồi", "Cuối thu trồng cải, trồng cần/Ăn ròng sáu tháng cuối xuân thì tàn/Bây giờ rau muống đã lan/Lại ăn cho đến thu tàn lại thôi…" hay nguyên một bài vè về
rau:
"Ve vẻ vè ve/ Nghe vè các rau/Thứ ở hỗn hào/là rau ngành ngạnh/Trong lòng không chánh/Vốn thiệt rau lang/Đất rộng bò ngang/Là rau muống biển/Quan đòi thầy kiện/Bình bát nấu canh/Ăn hơi tanh tanh/Là rau diếp cá…"
Cũng đúng thôi, vì rau là thực phẩm rất đổi thân quen và không thể thiếu trong mâm cơm của người Việt, song ngày nay, cùng với sự tiến triển của mạng xã, giới hội truyền thông và mạng internet, rau hình như đang
"lên ngôi" với những bài ca tụng quá đáng khi cho rằng,
"rau là thần dược có thể trị bá bệnh tiêu tan đặc biệt là ung thư?"
Có thể kể ra hằng trăm thứ rau, có những thứ rau rất đỗi dân dã bình thường như
rau củ lang, ngò rí, húng quế, rau củ cải trắng… Không biết có phải đó là
"chiêu trò để câu like hay câu view" hay không?
Còn nhớ những năm sau giải phóng đói kém vì ngăn sông cấm chợ hoặc khi ở vùng kinh tế mới, hầu hết đều thiếu gạo, cá, thịt. Thức ăn chỉ toàn rau củ, khoai lang, khoai sắn, măng rừng… ăn đến nước da xanh dờn, bụng ỏng, đít teo, bổ béo, trị bệnh đâu không thấy, mà chỉ toàn vương dính đủ thứ bệnh tật! Thấy rau lang, củ khoai, củ sắn là… ớn đến ói ra mật xanh rồi. Nay có lẽ dư thừa nhiều chất đạm nên sinh ra… nói dóc!? Có câu ca dao được truyền tụng nói rằng,
"Đói ăn rau, đau khắc phục" trong thời kỳ sau năm 1975 còn nằm trong ký ức của nhiều người!
Nhưng dù sao, trong bữa ăn hàng ngày cũng không thể thiếu vắng các loại rau, ngoài việc làm tăng thêm hương vị và màu sắc cho bữa ăn của tất cả con người trong cuộc sống…