Trong hơn ba thập niên qua, Việt Nam đã thực hiện cải cách kinh tế với cái tên gọi là “Đổi mới”, chuyển từ kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường “định hướng XHCN”. Những con số tăng trưởng GDP, đầu tư FDI và xuất khẩu dường như mang đến cảm giác cải thiện. Nhưng đó chỉ là tăng trưởng bề mặt, không phải phát triển bền vững dài hạn. Nguyên nhân vì sao. Chính bởi vì cái gốc - thể chế chính trị - vẫn độc tài toàn trị.
Thể chế độc tài ngăn chặn cạnh tranh lành mạnh. Chế độ độc đảng khiến quyền lực tập trung tuyệt đối, không có cơ chế kiểm soát và đối trọng. Tài nguyên đất đai, chính sách, dự án phát triển rơi vào tay nhóm lợi ích thân hữu. Doanh nghiệp chân chính khó cạnh tranh với các “sân sau” của quan chức. Không có pháp quyền độc lập, đầu tư minh bạch thì không thể có môi trường kinh doanh lành mạnh.
Quan hệ đối ngoại bó hẹp vì ý thức hệ. Cộng sản Việt Nam chủ yếu gắn bó với các nước cùng thể chế độc tài hoặc “đối tác chiến lược” như Trung Quốc, Cuba, Lào, Triều Tiên... Những mối quan hệ này thiếu chiều sâu về công nghệ, tri thức, chuẩn mực pháp lý, vốn là nền tảng để kinh tế cất cánh. Trong khi đó, việc hợp tác sâu với phương Tây và Hoa Kỳ, nơi có thể hỗ trợ cải cách thể chế, lại bị giới hạn vì nỗi sợ “diễn biến hòa bình”.
Khi một đất nước không có tự do chính trị thì không thể có sáng tạo và trách nhiệm. Một xã hội bị kiểm soát chặt về tư tưởng, báo chí, tổ chức xã hội dân sự sẽ khiến người dân không dám sáng tạo, không dám phản biện, không dám làm khác, mà chỉ học cách thích nghi và im lặng. Tầng lớp trí thức bị bóp nghẹt, người giỏi rời bỏ đất nước, còn người ở lại chỉ học cách “chạy hệ thống”. Vì thế, sẽ giới hạn phát triển đã chạm trần, cộng sản Việt Nam hiện đã tiến tới “giới hạn” của mô hình phát triển dựa vào nhân công rẻ và vốn đầu tư nước ngoài.
Việt Nam không thể thực sự thoát nghèo và phát triển nếu vẫn duy trì thể chế độc tài độc đảng. Muốn mở rộng không gian phát triển, muốn có tiếng nói có trọng lượng trên trường quốc tế, thì không thể mãi giữ tư duy bảo thủ, khép kín. Con đường duy nhất là chuyển đổi sang thể chế dân chủ đa nguyên, tam quyền phân lập, có tự do báo chí và xã hội dân sự độc lập. Khi đó, nhân dân mới thật sự là chủ thể, kinh tế mới thực sự thuộc về dân và đất nước mới có thể đi lên bởi nghèo đói là hệ quả của chế độ độc tài.
Lão Thất
__________________
|